Những giải pháp thiết kế chống nóng cho nhà phố

Mùa hè đang vào những đợt nắng nóng đỉnh điểm. Sự oi bức và khó chịu ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người. Nhu cầu chống nóng cho nhà và tránh nắng cũng vì thế mà tăng lên. Đặc biệt đối với nhà phố, các thiết kế chống nóng, giảm nhiệt là rất cần thiết.

Chống nóng cho khu vực xung quanh nhà phố

Trồng cây xanh là giải pháp hữu hiệu nhất để chống nóng cho nhà của bạn. Cây xanh tạo thành các hàng rào bóng râm giúp cản khí nóng từ bên ngoài. Tuy nhiên, việc hạn chế về diện tích khiến cho giải pháp này có vẻ không khả thi ở các không gian nhỏ. Thay vào đó bạn có thể mang cây xanh vào nhà bằng việc thiết kế các vườn treo, giàn hoa hoặc trồng vào những chậu nhỏ đặt ở phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp…

Bạn cũng có thể thiết kế tiểu cảnh, non bộ, hồ nước ở trong nhà, trước hiên nhà hoặc trên sân thượng. Hơi nước bốc lên sẽ mang đến cảm giác mát mẻ, dễ chịu, đồng thời chúng cũng trở thành điểm nhấn thẩm mỹ. 

Những giải pháp thiết kế chống nóng cho nhà phố

Ảnh: Alfonso de Béjar

Thiết kế ban công chống nóng cho nhà phố

Thiết kế ban công cũng là một giải pháp hiệu quả để chống nóng. Bạn có thể thiết kế ban công ở các tầng kết hợp với mái hiên trước nhà để chống nóng. Cũng có thể trồng thêm cây xanh ở ban công để cản bớt nguồn nhiệt từ bên ngoài. Cây leo hoặc chậu cây cảnh đều có tác dụng cách nhiệt tốt.

Chống nóng cho mái và tường nhà phố

Cần lưu ý khoảng cách giữa mái và trần khi tiến hành thiết kế. Khoảng cách càng cao thì càng giảm độ oi nóng. Kết hợp với các lỗ thông gió sẽ giúp ngôi nhà của bạn bớt nóng hơn.

Cùng với mái thì tường cũng là nơi chịu nhiều tác động của nắng nóng. Do đó việc lựa chọn loại vật liệu có khả năng chống nóng tốt là rất cần thiết. Bạn có thể xây 2 lớp gạch giúp tăng khả năng chống nóng của vật liệu. Nên kết hợp sử dụng với sơn cách nhiệt và trồng cây leo trên tường để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Bố trí giếng trời ở vị trí thích hợp để chống nóng cho nhà phố

Giếng trời giúp thông gió và đưa ánh sáng tự nhiên vào trong nhà khiến ngôi nhà trở nên sáng sủa và thông thoáng hơn. Giếng trời thường được đặt ở giữa nhà đến mỗi không gian đều có thể tiếp cận với ánh sáng và gió trời.

Điều này giúp tiết kiệm điện và diện tích hiệu quả. Hiện nay giếng trời thường sử dụng các vật liệu như kính, nhựa có khung sắt bảo vệ nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng. Ngoài ra thiết kế một tiểu cảnh nhỏ dưới giếng trời sẽ giúp giảm bức xạ nhiệt, chống nóng cho nhà hiệu quả.

Những giải pháp thiết kế chống nóng cho nhà phố

Ảnh: DP+HS Architects

Bố trí hợp lý phòng trong nhà phố

Hướng Đông: nên bố trí phòng ngủ để tránh ánh nắng chiếu vào trực tiếp.

Hướng Tây: nên bố trí phòng để đồ, phòng tắm để chống nóng cho nhà.

Hướng Bắc: nên bố trí phòng khách, phòng nghỉ vì lượng ánh sáng chiếu vào buổi trưa ít nhất.

Bạn cũng có thể sử dụng rèm hoặc các đồ có khả năng che nắng để chống nóng cho nhà.

Sắp xếp đồ vật hợp lý để chống nắng cho nhà phố

Việc sắp xếp nội thất cũng ảnh hướng nhiều đến hiệu quả chống nắng. Việc bố trí nội thất hợp lý sẽ khiến ngôi nhà trông thoáng mát hơn. Bạn nên lựa chọn những loại gạch lát màu trung tính như xám, đen hay những màu lạnh để hạn chế khả năng hấp thụ nhiệt.

Lựa chọn màu sắc và vật liệu nội thất để giải nhiệt nhà phố

Nên dùng những tông màu nhạt để giảm hấp thụ nhiệt, chống nóng cho nhà. Đặc biệt những tông màu mát mẻ, gần gũi với thiên nhiên như màu đất, xanh rêu sẽ đem đến cảm giác mát mẻ hơn.

Đối với không gian tiếp nhận trực tiếp nguồn sáng tự nhiên nên sử dụng những màu lạnh như xanh ngọc, trắng xanh để tạo cảm giác thư giãn. Những đồ nội thất có nguồn gốc tự nhiên như gỗ, đá, đất nung cũng cũng hỗ trợ thẩm thấu và bay hơi.

Các tin bài liên quan