Những điều cần biết về giếng trời cho nhà ống

Giếng trời cho nhà ống là một giải pháp kiến trúc rất hữu hiệu, giúp lấy sáng, lấy gió vô cùng hiệu quả. Không chỉ vậy, giếng trời còn giúp tăng thêm thẩm mỹ và khiến không gian sống trở nên ấn tượng, sinh động hơn. Tuy nhiên đây cũng là một giải pháp mà gia chủ cần nắm rõ từ cấu tạo, ưu nhược điểm đến những lưu ý khi thiết kế – thi công để phát huy được hết tác dụng của nó.

Những điều cần biết về giếng trời nhà ống

1. Giếng trời là gì?

Giếng trời là khoảng không gian trống thông thẳng từ mặt đất lên mái. Đây là một thiết kế đã có từ lâu thường sử dụng cho nhà ống, nhà phố nhằm khắc phục nhược điểm của những loại nhà này là thiếu sáng và thiếu gió.

2. Ưu và nhược điểm của giếng trời

2.1. Ưu điểm

Ưu điểm của giếng trời

(Ảnh: Sưu tầm)

Lấy sáng

Ưu điểm nổi bật nhất của giếng trời là giúp lấy sáng, có tác dụng rất tốt đối với nhà ống thường xuyên bị thiếu sáng. Việc lấy sáng theo chiều dọc sẽ giúp ánh sáng đi tới được tất cả các tầng, khiến không gian nhà ở sáng sủa hơn rất nhiều.

Thông gió và điều hoà không khí

 Bên cạnh lấy sáng, giếng trời cho nhà ống còn giúp điều hoà không khí, khiến gió có thể lưu thông thuân lợi trong nhà. Từ đó giúp ngôi nhà thông thoáng hơn, mang đến nguồn không khí luôn tươi mới.

Tiết kiệm điện

Nhờ lấy sáng hiệu quả mà ánh sáng có thể tới được những khu vực ít được chiếu sáng do đó gia chủ cũng không cần thường xuyên bật điện để làm sáng ngôi nhà. Việc này giúp tiết kiệm đáng kể chi phí điện mỗi tháng. Bên cạnh đó ít bật điện cũng làm ngôi nhà mát hơn do giảm bớt lượng nhiệt toả ra khi sử dụng thiết bị điện.

Tăng tính thẩm mỹ cho ngôi nhà

Giếng trời cũng là nơi lý tưởng để trang trí ngôi nhà, do đó nếu được chăm chút, chúng sẽ mang đến thẩm mỹ cho ngôi nhà, khiến không gian sống của gia đình có thêm điểm nhấn và tạo nên vẻ đẹp cuốn hút.

2.2. Nhược điểm

Nhược điểm của giếng trời

(Ảnh: Sưu tầm)

Âm thanh bị vang vọng

Đây là nhược điểm khó tránh khỏi khi thiết kế giếng trời cho nhà ống, đặc biệt ở vị trí trung tâm nhà. Với hình dạng và kết cấu, giếng trời không chỉ giúp ánh sáng tới được các phòng mà còn dễ dàng truyền âm thanh đi. Gia chủ có thể khắc phục nhược điểm này bằng cách sử dụng ốp tường từ gạch hoặc đá. Cách này sẽ giúp hạn chế sự vang vọng của âm thanh hơn rất nhiều thay vì để nguyên tường trơn.

Nước mưa bị ứ đọng

Nước mưa ứ đọng ở giếng trời cũng là một nhược điểm khó tránh khỏi. Để khắc phục nhược điểm này, gia chủ nên tối ưu hệ thống thoát nước để nước có thể thoát dễ dàng. Bên cạnh đó hệ thống mái che di động cũng giúp việc thoát nước thuận tiện hơn. Bạn có thể bố trí một vườn cây nhỏ dưới mái che giếng trời, khi đóng mở mái giếng có thể tận dụng nước ứ đọng để tưới cây.

Thừa sáng khi vào hè

Lấy sáng là một trong những ưu điểm nổi trội của giếng trời, ưu điểm này cũng có thể trở thành nhược điểm, đặc biệt vào mùa hè. Lượng sáng nhiều, cường độ mạnh vào các ngày hè oi ả khiến cho ngôi nhà bị thừa sáng, gây khó chịu và loá mắt. Bên cạnh đó ánh sáng mạnh cũng làm ảnh hưởng đến đồ nội thất trong nhà, khiến chúng dễ bị bạc màu, hư hỏng. Gia chủ có thể khắc phục bằng cách lắp đặt loại kính chống tia UV trên mái giếng hoặc lắp tấm che nắng để điều tiết ánh sáng phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình.

3. Cấu tạo của giếng trời

Cấu tạo của giếng trời

(Ảnh: Sưu tầm)

Giếng trời cho nhà ống được chia thành 3 phần: đáy giếng, thân giếng và đỉnh giếng.

Đáy giếng: Là phần dưới cùng của giếng trời, là nơi có phần mặt đất bằng phẳng thường để trống hoặc dùng tiểu cảnh, cây xanh, hòn non bộ… để trang trí, làm đẹp. Đáy giếng thường thông với phòng khách hoặc phòng bếp tạo ra một khoảng không gian xanh thoáng đãng.

Thân giếng: Là không gian nối giữa đáy giếng và đỉnh giếng giúp ánh sáng dễ dàng đi đến các tầng trong nhà. Thân giếng thường không có lớp che chắn, một số nơi thì được ốp bằng kính.

Đỉnh giếng: Là phần ở trên cùng của giếng trời, thường nằm ở trên mái nhà. Đây là nơi giúp ánh sáng và gió trời đi vào nhà. Đỉnh giếng thường có hệ thống khung thép và mặt kính.

4. Các loại vật liệu dùng để thi công giếng trời

Vật liệu thi công giếng trời

(Ảnh: Sưu tầm)

Kính

 Kính là vật liệu được sử dụng phổ biến khi xây dựng giếng trời cho nhà ống. Do đặc tính trong suốt mà chúng có thể giúp ánh sáng mặt trời chiếu vào nhà dễ dàng. Khi sử dụng làm giếng trời, gia chủ cần chú ý đến độ dày, khả năng chống chịu lực và thời tiết. Không nên sử dụng kính quá dày, do sẽ ảnh hưởng đến lượng sáng đi vào. Tuy nhiên kính quá mỏng cũng không đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng. Mặt kính cũng cần có độ chịu lực tốt để phòng ngừa những tình huống va chạm gây nứt, vỡ. Độ bền của kính cũng cần được cân nhắc do giếng trời thường xuyên tiếp túc với môi trường bên ngoài và sự thay đổi của thời tiết.

Acrylic

Acrylic là một loại nhựa có bề ngoài trong suốt, thích hợp để dùng thay thế cho kính. Loại vật liệu này có độ bền cao, chịu được những tác động của môi trường và thời tiết, khả năng chống va đập tốt. Acrylic được ưa chuộng bởi sự bền bỉ và dẻo dai nên thường được sử dụng trong trang trí ngoại thất. Tuy nhiên loại vật liệu này lại làm tăng chi phí xây dựng do chúng có giá thành không rẻ.

Polycarbonate

Polycarbonate là một loại nhựa thường được sử dụng làm vách ngăn, cường lực, lót sàn… Loại vật liệu này có độ trong suốt cao, ánh sáng có thể dễ dàng đi qua giúp tăng tác dụng của giếng trời. Bên cạnh đó chúng còn có khả năng cách nhiệt, cách âm khá tốt giúp tránh nóng vào mùa hè và ngăn lạnh vào mùa đông. Nhờ đó mà gia chủ sẽ tiết kiệm được chi phí điện do hạn chế sử dụng điều hoà.

Kim loại

Những loại kim loại dùng để thi công giếng trời thường yêu cầu độ bền cao, dễ bảo trì bảo dưỡng nhưng cũng cần đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ. Do đó loại chịu được thời tiết khắc nghiệt, khó bị gỉ sét, khó bị bay màu, có tính dẻo dai để dễ tạo hình, tạo kiểu luôn được ưu tiên lựa chọn. Thép không gỉ và nhôm là hai kim loại thường được sử dụng để làm giếng trời bởi đặc tính chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết. Chúng thường được sử dụng làm khung, làm giá đỡ cho giếng trời.

5. Những vị trí đặt giếng trời phổ biến

Vị trí đặt giếng trời

(Ảnh: Sưu tầm)

Vị trí đặt giếng trời ảnh hưởng không nhỏ tới thẩm mỹ của ngôi nhà. Thông thường giếng trời có 2 vị trí phổ biến là bên ngoài nhà và bên trong nhà.

Giếng trời đặt bên ngoài nhà kết hợp với sân vườn

Giếng trời đặt ở bên ngoài thường được thiết kế nằm ở một bên nhà kết hợp cùng sân vườn, tạo ra một không gian nghỉ ngơi, thư giãn cho cả gia đình. Điều này cũng tạo nên một không gian xanh, mang đến không khí thoải mái, dễ chịu cho cả ngôi nhà. Giếng trời đặt ở ngoài một bên nhà sẽ giúp không khí lưu thông tốt hơn, tạo ra một khoảng không thoáng đáng để lấy sáng, lấy gió.

Giếng trời đặt ở cuối nhà

Giếng trời đặt ở cuối nhà sẽ thông với phòng bếp, do phòng bếp thường được bố trí ở cuối nhà. Vị trí này sẽ giúp tạo nên một không gian mở, giúp phòng bếp và phòng ăn thông thoáng và sáng sủa hơn. Với thiết kế này gia chủ có thể biến đáy giếng thành một khoảng sân nhỏ dùng để giặt, rửa.

Giếng trời đặt ở trung tâm nhà

Giếng trời chính giữa nhà được sử dụng khá phổ biến, đặc biệt với thiết kế nhà ống là chủ yếu như ở nước ta. Vị trí trung tâm này sẽ giúp ánh sáng toả đều cho các phòng, không khí dễ dàng lưu thông khắp nhà. Giếng trời ở vị trí này cũng giúp tăng thêm thẩm mỹ cho ngôi nhà.

Giếng trời đặt ở cầu thang

Một vị trí phổ biến khác để đặt giếng trời chính là cầu thang. Do cầu thang thường được thiết kế ngăn giữa các phòng nên đặt giếng trời ở vị trí này sẽ giúp chiếu sáng khu vực di chuyển, thiện tiện cho việc đi lại trong nhà.

6. Các loại mái giếng trời phổ biến

Các loại mái giếng trời phổ biến

(Ảnh: Sưu tầm)

Mái che cố định

Mái che cố định là loại được sử dụng phổ biến nhất nhờ chi phí tiết kiệm, việc thi công lắp đặt đơn giản. Thông thường loại mái này sẽ sử dụng kính cường lực hoặc tấm poly dày làm phần mái che. Những vật liệu này đều phải đảm bảo có khả năng cách nhiệt, chống chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết. Gia chủ có thể lựa chọn sơn thêm một lớp sơn cách nhiệt dành riêng cho kính hoặc dán thêm tấm phim cách nhiệt hay thiết kế một lỗ thông hơi nhỏ để điều hoà không khí tốt hơn.

Mái che di động

Mái che di động giúp gia chủ có thể mở ra đóng vào một cách linh hoạt tuỳ nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên cũng vì thế mà chúng có giá thành cao, tốn nhiều thời gian thi công lắp đặt. Hiện nay có 3 loại mái che di động được sử dụng phổ biến là mái gắn cảm biến, mái motor điện, mái kéo thủ công.

Mái gắn cảm biến: Đây là loại mái hoàn toàn tự động. Loại mái này được gắn một hệ thống cảm biến thời tiết, khi trời mưa sẽ tự động đóng lại và mở ra khi lạnh.

Mái motor điện: Cách hoạt động của mái motor điện giống như vận hành cửa cuốn, bạn chỉ cần điều khiển từ xa để điều chỉnh cửa giếng đóng mở. Loại mái di động này là loại bán tự động vì vẫn cần có sự điều khiển của công tắc từ xa.

Mái kéo thủ công: Loại mái này đòi hỏi người sử dụng phải tự mình đóng mở qua những công cụ hỗ trợ thủ công. Loại này sẽ tốn nhiều công sức và thời gian hơn nhưng chi phí lại tiết kiệm hơn so với 2 loại trên.

Giếng trời không mái

Bên cạnh đó một số thiết kế giếng trời cho nhà ống lại lựa chọn phương án không sử dụng mái che. Kiểu thiết kế này thường được kết hợp chung với thiết kế thông tầng, có vườn trong nhà. Không sử dụng mái che sẽ giúp cho cây xanh hấp thụ được ánh sáng và mưa tự nhiên để phát triển. Tuy nhiên khi sử dụng loại thiêt kế giếng trời này, gia chủ cần chú ý những điều sau:

– Cần đảm bảo an toàn bằng cách lắp thêm hệ thống khung thép hoặc lắp kính bao xung quanh giếng trời.

– Cần chú ý đến hệ thống thoát nước để đảm bảo nước không bị ngập, tràn vào trong nhà. Cũng cần thường xuyên bảo trì bảo dưỡng hệ thống thoát nước để tránh bị bít tắc, ảnh hưởng đến khu vực sinh hoạt của gia đình.

7. Trang trí giếng trời

Trang trí giếng trời

(Ảnh: Sưu tầm)

Nhiều người cho rằng giếng trời không có gì để trang trí, tuy nhiên nếu biết tận dụng đây sẽ là một không gian mang lại thẩm mỹ cho ngôi nhà. Giếng trời có 3 nơi để bạn trang trí là đấy giếng, đỉnh giếng và phần diện tường.

Phần mái giếng

Có thể trang trí bằng hệ thống khung mái và kính. Hình dáng của hệ thống khung mái sẽ tạo nên hình bóng phản chiếu khi mặt trời chiếu vào. Hệ thống khung mái càng được thiết kế với hình dáng đặc biệt càng tạo nên hình ảnh đẹp mắt cho ngôi nhà của bạn.

Phần diện tường

Có thể ốp đá, vẽ hoa văn hoặc trồng những cây leo, treo những chậu cây hoa cảnh để tạo điểm nhấn. Gia chủ có thể kết hợp nhiều loại trang trí khác nhau để tạo nên khoảng không gian đặc sắc, ấn tượng.

Phần đáy giếng

Đây là nơi có nhiều ý tưởng thiết kế nhất. Gia chủ có thể thiết kế một vườn cây xanh nhỏ hoặc trồng một cái cây lớn, cũng có thể trang trí bằng hòn non bộ, bể cá… Tuỳ theo diện tích đáy giếng mà chủ nhà có thể có những ý tưởng trang trí khác nhau. Với những đấy giếng có diện tích hạn chế, bạn có thể chỉ cần trồng một thảm cỏ xanh hoặc rải sỏi, đặt một vài chậu cây cảnh nho nhỏ hoặc để một vài bình gốm trang trí phù hợp với phong cách nội thất. Bạn cũng có thể tham khảo kiến trúc sư để lựa chọn đồ trang trí phù hợp với phong thuỷ.

8. Những lưu ý khí thiết kế giếng trời

Những lưu ý khi thiết kế giếng trời

(Ảnh: Sưu tầm)

Vị trí đặt giếng trời

Vị trí đặt giếng trời cho nhà ống sẽ quyết định đến khả năng lấy sáng và đón gió. Nên ưu tiên vị trí mà ánh sáng đến được đều tất cả các phòng và không khí không bị cản trở lưu thông.

Hướng đặt giếng trời

Hướng đặt giếng trời cần được lựa chọn kĩ lưỡng để hấp thụ được không khí tốt cho ngôi nhà. Trong đó hướng Bắc được xem là hướng có nhiều khí tốt cho sức khoẻ.

Kích thước của giếng trời

Nhà ống, nhà phố thường có diện tích hạn chế, do đó kích thước giếng trời cũng không lớn. Tuỳ vào diện tích ngôi nhà và độ cao trần nhà mà kích thước giếng trời cũng không giống nhau. Thông thường để phát huy ưu điểm, giếng trời nên có kích thước tối thiểu là 4 – 6 m2. Kích thước như vậy vừa đủ để lấy sáng và không khí lưu thông, lại không tốn quá nhiều không gian sống.

Thiết kế giếng trời hợp phong thuỷ

Trong phong thuỷ kiêng kị đặt giếng trời ở trước nhà. Giếng trời nên đặt ở cung Tài Lộc hoặc Thiên Mạng. Gia chủ cũng có thể đặt giếng trời vào những vị trí khuyết thiếu, méo mó để bù đắp. Bên dưới giếng trời nên bố trí thêm cây xanh hoặc ao nước để đảm bảo sự hài hoà.

9. Những lưu ý khi thi công giếng trời

Những lưu ý khi thi công giếng trời

(Ảnh: Sưu tầm)

Chống mưa hắt, nước dột 

Giếng trời mang lại rất nhiều lợi ích cho nhà ở, tuy nhiên trong quá trình thi công giếng trời làm sao để chống mưa hắt, nước dột, chống trộm. Thông thường, giải pháp đơn giản nhất là sử dựng hệ thống khung kim loại và kính cường lực 2 lớp. Với ưu thế chịu lực tốt, vừa có thể phát huy tác dụng của giếng trời vừa giúp bảo vệ ngôi nhà.

Hệ thống thoát nước ở sàn

Với những gia chủ muốn thi công giếng trời không có mái che cần đảm bảo hệ thống thoát nước dưới sàn hoạt động ổn định để hạn chế nước tràn vào trong nhà ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày.

Độ phẳng của tường giếng trời

Giếng trời là một không gian hình ống, tuy không có vách ngăn nhưng chúng vẫn dễ truyền âm và gây tiếng vang, ảnh hưởng đến sự riêng tư. Do đó khi thi công giếng trời nên chú ý tới bề mặt tường. Bề mặt tường càng nhẵn và bằng phẳng càng dễ truyền âm, ngược lại những bề mặt nhám, gồ ghề lại có khả năng cản âm tốt hơn.

Độ dày của mái che

Ở nước ta, mùa hè thường có số giờ nắng nhiều, cường độ mạnh và gay gắt. Do đó để bảo vệ những đồ dùng nội thất trong nhà, cần chú ý đến độ dày của mái che. Bên cạnh đó, có thể lắp thêm rèm che cho mái giếng.

Độ rộng của thanh chắn và độ cao của lan can

Khu vực tầng bao quanh giếng trời thường rất cao và ít bị đồ vật cản trở. Vì vậy để bảo đảm an toàn trong quá trình sinh hoạt, gia chủ nên lắp các lan can xung quanh, đặc biệt với gia đình có trẻ nhỏ. Chiều cao của lan can phải đảm bảo ngang người, độ rộng giữa các thanh chắn phải đảm bảo trẻ nhỏ không thể chui qua.

 

Nếu bạn đang có nhu cầu thiết kế nội thất, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí:

CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ XÂY DỰNG MẠNH TOÀN (INCOSI)

Trụ sở: Số 21B4 Lô 6B Lê Hồng Phong, Đông Khê, Ngô Quyền, Hải Phòng

Tel: 0225 3.558.666

Mail: incosi@manhtoan.com.vn

Facebook: Mạnh Toàn Incosi

Các tin bài liên quan