Wabi Sabi – Vẻ đẹp của những điều không hoàn hảo

Con người luôn muốn vươn tới một vẻ đẹp hoàn mỹ, bất biến. Nhưng cuộc sống vốn dĩ không vẹn toàn, có ưu có khuyết. Thay vì cứ mải mê truy tìm sự hoàn hảo, có một triết lý lại tìm thấy vẻ đẹp từ chính những điều nguyên sơ, vụng về, dang dở. Đó chính là Wabi Sabi. Và triết lý này được sử dụng ngày phổ biến trong thiết kế nội thất.

Giữa nhịp sống xô bồ, nội thất theo phong cách Wabi Sabi trở thành một khoảng lặng quý giá để tìm lại chính mình, tìm đến sự bình yên và thanh thản. Hôm nay, hãy cùng Mạnh Toàn Incosi tìm hiểu về nghệ thuật đặc biệt này nhé!

Wabi Sabi - Vẻ đẹp bất toàn

Ảnh: Serge Makhno

Wabi Sabi là gì?

Theo Wikipedia, Wabi Sabi là một triết lý đại diện cho tính thẩm mỹ và thế giới quan trong văn hóa Nhật Bản. Trong đó tập trung vào việc chấp nhận tính phù du và sự không hoàn hảo. Triết lý này đôi khi được mô tả như một trong những vẻ đẹp “không hoàn hảo, vô thường và không đầy đủ”. Đặc điểm nổi bật của Wabi Sabi nằm ở chỗ bất đối xứng, sự không bằng phẳng, sự giản lược hóa, sự cần kiệm, sự khắc khổ, sự khiêm nhường, sự gần gũi và sự am tường tính nguyên vẹn, đơn sơ của tự nhiên.

Trong tiếng Nhật, Wabi chỉ sự đơn sơ, bình dị, đơn giản, hòa hợp với thiên nhiên. Trong khi đó Sabi mang nghĩa nhận thấy được vẻ đẹp trong sự khiếm khuyết, vẻ đẹp nằm khuất lấp sau lớp bụi mờ của thời gian. Wabi Sabi là vẻ đẹp không hoàn hảo, không vĩnh hằng, không trọn vẹn, vô thường và dở dang.

Nguồn gốc hình thành

Khoảng thế kỷ XII-XIV, sự xâm nhập của Đạo giáo, đặc biệt là Thiên Giáo vào cách sống, cách cảm nhận vẻ đẹp của người Nhật đã hình thành nên Wabi Sabi. Nhưng phải mãi đến thế kỷ XVI, trong sự phát triển rực rỡ của trà đạo, thiền sư Sen no Riyu (1522 – 1591) đã sử dụng chiếc ấm  bình dân và chén sứt thay cho những vật dụng với thiết kế tinh xảo từ Trung Quốc thì triết lý Wabi Sabi mới thực sự hoàn thiện và bước vào thời kỳ độc tôn trong quan niệm thẩm mỹ của nơi đây.

Với người Nhật, triết lý Wabi Sabi đóng một vai trò quan trọng không kém phong thủy đối với người Trung Quốc. Từ linh hồn của nghệ thuật trà đạo, Wabi Sabi dần trở thành tiêu chuẩn thẩm mỹ trong nhiều lĩnh vực như kiến trúc, thơ ca, hội họa, kịch…

Trong lĩnh vực kiến trúc và thiết kế, Wabi Sabi đang ngày càng được ưa chuộng bởi sự yên bình và thư thái mà nó mang lại.

Những đặc trưng của phong cách thiết kế Wabi Sabi

Chất liệu

Wabi Sabi - Vẻ đẹp bất toàn

Ảnh: Serge Makhno

Chất liệu là thành tố quan trọng để dệt nên bức tranh Wabi Sabi. Trong nếp sống hiện đại ngày nay, con người luôn hướng tới vẻ đẹp bóng mượt, chải chuốt, truy cầu sự hoàn mỹ. Nhưng trái ngược với sự xa hoa mỹ lệ đó, Wabi Sabi hướng tới vẻ đẹp tự nhiên bằng cách sử dụng các chất liệu thô mộc, không mài giũa, chỉnh sửa, giữ đúng tinh thần ban đầu của chật liệu.

Gỗ, đá, đất sét, sợi tự nhiên, vải dệt thô, kim loại là những chất liệu được sử dụng phổ biến. Đồng thời chúng cũng là những chất liệu thể hiện rõ nhất và đẹp đẽ nhất dòng chảy của thời gian.

Kiểu dáng

Không cố gắng thay đổi hình dạng ban đầu của chất liệu theo một khuôn mẫu nhất định, Wabi Sabi lại giữ nguyên hoặc chỉ chỉnh sửa tiết chế nhằm tôn trọng dáng vẻ tự nhiên vốn có. Kiểu dáng nguyên thủy tự nhiên của đồ vật trở thành điểm nhấn nổi bật, thu hút và gây ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Kết cấu

Phong cách Wabi Sabi thường giữ nguyên kết cấu của chất liệu với bề mặt xù xì, thô ráp, màu sắc nguyên vẹn như vốn có với những sắc độ không đều, ngẫu hứng và tự nhiên.

Màu sắc

Wabi Sabi - Vẻ đẹp bất toàn

Ảnh: Serge Makhno

Không nằm ngoài tiêu chí giữ lại hết mức vẻ đẹp tự nhiên, phong cách Wabi Sabi không quá đề cao vai trò của màu sắc. Tất cả đều phụ thuộc vào màu sắc tự nhiên của chất liệu. Vì thế mà trong không gian Wabi Sabi, màu sắc đôi khi sẽ thiếu tính thống nhất và độ tương phản để tạo sự nổi bật. Nhưng chính sự không cố tình đó lại đem đến cảm giác bình yên và thanh thản.

Những gam màu thường xuất hiện trong phong cách Wabi Sabi gồm có: màu đất, nâu xám, xanh lục, nâu đỏ, xanh lá cây… Và chúng đều có sắc độ dịu nhẹ, hài hòa.

Sự tĩnh lặng

Wabi Sabi là tìm thấy bình yên, thinh lặng trong sự thiếu thốn của vật chất. Do đó những khoảng không có vai trò vô cùng quan trọng trong thiết kế theo phong cách này. Không có một khoảng không nào là tồn tại vô nghĩa. Chúng đều được cố ý tạo ra để kết hợp với ánh sáng tự nhiên mang lại cảm giác thoáng đãng, thư thái nhưng tràn đầy sinh khí. Những khoảng không cũng trở thành điểm dừng cho cuộc sống bộn bề, là nơi nghỉ ngơi, tĩnh tâm, suy tư về cuộc đời.

Sự đơn giản

Sự đơn giản nằm ở chất liệu hữu cơ. Nội thất phong cách Wabi Sabi vẫn luôn có sự sáng tạo nhưng vẫn giữ vững nguyên tắc đơn giản, không cầu kì, kiểu cách. Vẻ đẹp của chúng nằm ở sự tinh tế trong bề ngoài không hoàn hảo, dang dở. Một ngôi nhà theo phong cách Wabi Sabi thường không bày biện quá nhiều đồ đạc. Chủ yếu tập trung vào sự hữu dụng và độ bền.

Phong cách thiết kế nội thất Wabi Sabi thể hiện sự cân bằng hữu cơ vốn có của tự nhiên. Mọi vật đều sẽ thay đổi theo một môi trường nhất định. Ví như một cái cây phát triển cao hay thấp, thân to hay nhỏ, lá ít hay nhiều đều phụ thuộc vào các yếu tố như đất, nước, điều kiện sống…

Sự tiết chế

Wabi Sabi - Vẻ đẹp bất toàn

Ảnh: Natalie Dubrovska 

Sự tiết chế là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất trong thiết kế nội thất theo phong cách Wabi Sabi. Trong đó lược bớt được coi trọng hơn là thêm vào nhằm mang đến một không gian vô thường, tĩnh tại.

Các tin bài liên quan