Ưu nhược điểm của các vật liệu lát sàn phòng bếp

Trên thị trường có rất nhiều loại vật liệu để lát sàn phòng bếp. Do đó khi bắt đầu lựa chọn bạn cần xem xét hai yếu tố cơ bản là chức năng và độ bền. Dù làm bằng chất liệu gì thì sàn bếp vẫn cần dễ bảo trì và bền lâu.

Vật liệu lát sàn phòng bếp

Những chất liệu lát sàn phòng bếp phổ biến

Phòng bếp là một trong những không gian quan trọng và có mức độ sử dụng thường xuyên. Do đó sàn phòng bếp phải là loại vật liệu chịu được nhiều lượt ra vào hàng ngày. Cùng với đó phải dễ vệ sinh do các vật phẩm nấu nướng như nước sốt, dầu, mỡ rất dễ chảy xuống sàn.

Những chất liệu lát sàn bếp phổ biến nhất hiện nay bao gồm:

– Gạch

– Bê tông

– Đá

– Nhựa

– Gỗ

Bên cạnh đó, việc nấu nướng trong phòng bếp khiến bạn phải đứng lâu và đi lại thường xuyên. Có một số chất liệu khá hữu ích, giúp hạn chế các vấn đề về xương. Bao gồm:

– Tre

– Thảm/Thảm gạch

– Cao su

– Gỗ Laminate

– Gỗ cứng

Ưu và nhược điểm của các loại sàn phòng bếp

Sàn tre

Sàn phòng bếp bằng tre ép

Nếu bạn thích các sản phẩm thân thiện với môi trường thì tre chính là lựa chọn hợp lý cho sàn phòng bếp. Loài cây này phát triển rất nhanh và trở thành một nguồn cung bền vững để lát sàn. Ngoài thân thiện với môi trường, tre còn là vật liệu tự nhiên mạnh nhất trên thị trường. Do nó có độ bền cao lại dẻo dai.

  • Ưu điểm: Bền, đẹp, thân thiện với môi trường.
  • Nhược điểm: Sàn tre dễ bị lõm.

Thảm trải sàn/Thảm gạch

Thảm lót sàn phòng bếp

Thảm là chất liệu phải thường xuyên bảo dưỡng và làm sạch. Do chúng rất dễ hấp thụ các vết bẩn. Vì vậy mà thảm không phải là lựa chọn hàng đầu cho phòng bếp. Tuy nhiên, gạch thảm lại là giải pháp thay thế thảm tuyệt vời. Gạch thảm là loại gạch có thiết kế hoa văn giống thảm. Do đó chúng có độ bền cao, dễ lau chùi, dễ lắp đặt. Chúng chắc chắn sẽ tạo nên vẻ độc đáo cho phòng bếp của bạn.

  • Ưu điểm: Màu sắc đa dạng, kết cấu hiện đại, độ bền tốt, mềm mại và có thể tái chế.
  • Nhược điểm: Cần làm sạch và hút bụi thường xuyên.

Sàn bê tông

Lát sàn phòng bếp bằng bê tông

Vẻ ngoài và màu sắc của bê tông khó có loại gạch nào sánh kịp. Nó không chỉ mang đến một không gian đẹp hiện đại mà còn có độ bền vô cùng tốt. Sàn bê tông có nhiều loại hoàn thiện khác nhau, bạn có thể thoải mái lựa chọn để phù hợp với căn bếp của mình. Bê tông khi mới đổ có thể dễ dàng đóng dấu, in hình. Bạn cũng có thể nhuộm màu, đánh bóng, tráng men, bôi sáp cho vật liệu này.

  • Ưu điểm: Độ bền cao, linh hoạt, chống ẩm mốc, màu sắc và kiểu dáng hiện đại.
  • Nhược điểm: Bề mặt cứng nên đứng lâu dễ bị đau chân, sàn lạnh nên cần làm ấm vào mùa đông, có thể bị ố vàng.

Sàn gỗ Laminate

Sàn gỗ Laminate

Sàn gỗ Laminate là một lựa chọn rất phải chăng và bền. Do kết cấu mà lớp trên cùng có thể chịu được tải trọng lớn cùng mức độ sử dụng thường xuyên. Nếu bạn muốn sàn mềm hơn có thể đệm thêm một lớp ở bên dưới. Loại sàn này dễ lắp đặt. Chúng cũng có kiểu dáng và màu sắc rất đa dạng. Do đó sàn gỗ Laminate trở thành một giải pháp phổ biến nhất cho căn bếp hiện đại.

  • Ưu điểm: Bền, giá cả phải chăng, tiết kiệm chi phí, dễ lắp đặt và tháo gỡ.
  • Nhược điểm: Không có giá trị như sàn gỗ tự nhiên, dễ trơn trượt, lâu ngày khi các mối ghép bị cong vênh gây nên tiếng động trong quá trình đi lại, không sơn lại được bằng màu khác.

Sàn cao su

Sàn cao su

Tấm cao su lót sàn có rất nhiều màu sắc và kết cấu. Chúng vừa dễ lắp đặt lại không cần chất kết dính nhờ có độ bám cao. Điều này khiến cao su trở thành một sản phẩm lót sàn bếp tạm thời khá tốt đối với những căn hộ cho thuê. Mặt dưới những tấm cao su có khả năng chống trượt, dày và bền, rất phù hợp với một căn bếp luôn bận rộn.

  • Ưu điểm: Có thể tái chế, chống nước và chống cháy tốt, bền, dễ làm sạch, mang đến cảm giác mềm mại khi sử dụng.
  • Nhược điểm: Tấm cao su mới thường có mùi hắc, dầu có thể làm ố bề mặt cao su.

Sàn đá

Lát sàn phòng bếp bằng đá

Trên thị trường hiện nay luôn có sẵn rất nhiều loại đá: đá cẩm thạch, đá travertine… Các loại đá này có màu sắc và đường vân độc đáo mang đến cho phòng bếp vẻ đẹp độc đáo nhất. Sàn đá cũng mát mẻ, phù hợp với những nơi có khí hậu nóng. Bạn nên xem xét qua tất cả các loại trước khi lắp đặt. Do màu sắc và đường vân của chúng đôi khi sẽ không đồng nhất giữa các khối đá, đặc biệt là đá tự nhiên.

  • Ưu điểm: Bề mặt cứng, bền, dễ lau chùi.
  • Nhược điểm: Một số loại đá vẫn có khả năng bị ố vàng, cần phải thường xuyên làm sạch, một số loại thì lại dễ vỡ.

Sàn gạch

Sàn gạch

Sàn gạch là giải pháp phổ biến nhất cho mọi phòng bếp. Chúng dễ lau chùi, có độ bền cao, chất lượng phản chiếu tốt có thể giúp mở rộng không gian phòng bếp. Hiện nay, gạch có rất nhiều hoa văn, màu sắc, từ giả đá, giả gỗ đến giả bê tông… Kích thước của chúng cũng rất đa dạng, từ hình vuông đến hình chữ nhật, từ to đến nhỏ.

  • Ưu điểm: Độ bền cao, chống ẩm, dễ bảo trì, dễ làm sạch, màu sắc, hình dáng và hoạt tiết trang trí đa dạng.
  • Nhược điểm: Các đường vữa giữa các viên gạch dễ bị bám bẩn, do không có độ mềm mà khi bát đĩa rơi xuống rất dễ bị vỡ, dễ bị trơn trượt.

Sàn nhựa Vinyl

Lát sàn phòng bếp bằng tấm nhựa Vinyl

Những tấm nhựa Vinyl có giá phải chăng, kiểu dáng cùng màu sắc cũng rất phong phú. Đây cũng là một trong những vật liệu lát sàn phòng bếp chịu nước khá tốt. Tuy nhiên chúng lại yêu cầu lắp đặt chuyên nghiệp và tỉ mỉ hơn so với gạch. Do nếu không lắp đặt cẩn thận, chúng rất dễ bị cong vênh và để lại khe hở.

  • Ưu điểm: Khả năng chống thấm nước tốt, kiểu dáng và đường vân đa dạng.
  • Nhược điểm: Có thể tạo ra các hóa chất độc hại cho phòng bếp, cần phải có một lớp nền hoàn hảo trước khi ốp tấm nhựa lên.

Sàn gỗ cứng

Sàn gỗ cứng

Gỗ cứng như sồi, phong, óc chó là lựa chọn hàng đầu để làm vật liệu lát sàn phòng bếp. Chúng có vẻ ngoài cao cấp, màu sắc ấm áp, đường vân độc đáo và tuổi thọ cao. Tuy nhiên sàn gỗ cứng trong phòng bếp cần được bảo trì thường xuyên do khu vực này dễ bị ẩm ướt. Bạn nên phủ thêm một lớp sơn trên bề mặt để bảo quản sàn tốt hơn. Nếu nhà bạn ở những nơi có độ ẩm cao hoặc ven biển, nên tránh dùng những tấm ván rộng do chúng dễ bị cong vênh theo thời gian.

  • Ưu điểm: Giá trị cao, độ bền tốt, đẹp mắt, có thể tinh chỉnh lại.
  • Nhược điểm: Cần bảo dưỡng định kì, giá thành khá cao, dễ bị móp, xước.
Các tin bài liên quan